Biện pháp giúp trẻ ăn ngon miệng bằng một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng được làm từ những thực phẩm sạch sẽ là giải pháp tốt nhất giúp mẹ nâng cao sức khỏe cho trẻ.
Hãy cùng đọc thêm bài viết dưới đây để hiểu thêm về các biện pháp giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng sức đề kháng.
1. Các biện pháp giúp trẻ ăn ngon, tăng sức đề kháng cho trẻ
Đối với trẻ em, hệ miễn dịch chưa ở mức hoàn thiện nên sức đề kháng của trẻ còn kém. Những đứa trẻ kể cả ở cùng một lứa tuổi, cùng một điều kiện chăm sóc và môi trường sống như nhau, tuy nhiên khi phải đối mặt với những tác động từ bên ngoài như dịch bệnh, thay đổi thời tiết,... cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau, có trẻ bị mắc bệnh trong khi những trẻ khác lại hoàn toàn không gặp phải vấn đề gì. Đó là do sự khác biệt ở trong hệ thống miễn dịch của trẻ.
Trẻ hay bị ốm vặt, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh... là biểu hiện của hệ thống miễn dịch yếu và chế độ dinh dưỡng chưa đủ tốt. Điều đó đồng nghĩa với việc những trẻ có sức đề kháng tốt sẽ ít bị tác động, có điều kiện để phát triển về thể chất tốt hơn.
Các bậc cha mẹ nếu không giúp trẻ xây dựng một hệ thống miễn dịch tốt, tăng sức đề kháng cho trẻ, trẻ sẽ dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm như: Tay chân miệng, sởi, thủy đậu,... và các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, hắt hơi, viêm mũi dị ứng, viêm họng,... đặc biệt trong tình hình dịch viêm đường hô hấp bởi virus Corona chủng mới (COVID-19) đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh việc bảo vệ trẻ từ bên ngoài như đeo khẩu trang thì nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi tập trung đông người, rửa tay thường xuyên,... ba mẹ cũng cần phải lưu ý về việc tăng sức đề kháng cho trẻ từ bên trong qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày hợp lý và lối sống lành mạnh. Việc đảm bảo cho trẻ ăn ngon tăng sức đề kháng là việc làm hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc khiến cho trẻ thèm ăn tự nhiên mà không cần thúc ép là điều không phải cha mẹ trẻ nào cũng làm được.
a. Cởi bỏ áp lực trong khi ăn
Việc cha mẹ thúc ép, giục trẻ ăn “nốt một miếng nữa” hay nịnh trẻ ăn bằng tivi, điện thoại thông minh không còn là vấn đề hiếm gặp hiện nay trong mỗi gia đình có trẻ nhỏ. Trên thực tế, những việc làm này là hoàn toàn sai lầm và có thể dẫn đến những tác hại mà nhiều bậc phụ huynh không thể lường trước được.
Khi bị ép ăn, trẻ sẽ hình thành cảm giác sợ hãi, khiến chúng ngày càng biếng ăn hơn. Ăn không hứng thú lâu dần sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của cơ thể trẻ, khiến bé còi cọc, chậm lớn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những gia đình mà cha mẹ có xu hướng càng ép trẻ ăn cho “tròn bữa” thì trẻ lớn lên càng có nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn ăn uống như kém ăn hoặc ăn quá nhiều sinh ra béo phì. Nguyên do là ép trẻ ăn món trẻ không muốn sẽ khiến cho các bé mất đi khả năng tự quản lý thói quen ăn uống của mình, từ đó trẻ ăn quá ít hoặc là ăn quá nhiều khi trẻ lớn lên.
Hơn nữa, nếu bị ép ăn, trẻ sẽ hình thành nên những thói quen không tốt, như “mặc cả” với cha mẹ về bữa ăn để được mua quà, được xem tivi hay được sử dụng điện thoại thông minh. Dần dần, khi lớn lên, trẻ lại tiếp tục xem việc học, việc tự lập của mình là điều kiện để “mặc cả” với cha mẹ.
Một nguy cơ tiềm ẩn khác của việc ép trẻ ăn mà nhiều bậc phụ huynh không lường trước được đó là trẻ bị ép ăn nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa dinh dưỡng, làm tăng lượng hormone trong cơ thể khiến cho các em bị dậy thì sớm, thậm chí làm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ. Đồng thời, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra quan điểm rằng, khi cha mẹ ép trẻ ăn bằng roi hoặc la mắng, bé sẽ ăn cháo (cơm, bột...) với cortisol, khiến não bé sẽ tiết ra một loại “hormone stress” làm trẻ mệt mỏi, chán chường, kém tăng trưởng, vôi hóa khớp, trầm cảm, xuất hiện hành vi hung dữ và bạo lực...Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ và thậm chí là khi trưởng thành chúng có thể có xu hướng sống khép mình hơn – đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ.
b. Cách giúp trẻ ăn ngon, tăng sức đề kháng
Trẻ sau 1 tuổi bắt đầu quá trình học hỏi các kỹ năng mới trong cuộc sống, từ đi, đứng, chạy, nói, giao tiếp đến “hiểu biết”. Vì vậy, giai đoạn này, trẻ có xu hướng không tập trung vào ăn uống nữa mà chủ yếu tập trung khám phá bản thân, khám phá thế giới. Đây cũng là giai đoạn cho trẻ ăn trở thành “cực hình” đối với các bậc cha mẹ.
Đối với trẻ thì ăn uống đã trở thành thứ yếu, cái “tôi” mới đang bắt đầu hình thành nên khi càng ép thì trẻ sẽ càng phản kháng lại, nhưng ngược lại đối với người lớn thì việc ăn uống vẫn được đặt lên hàng quan trọng tối ưu. Cha mẹ nên tìm hiểu nhu cầu của trẻ qua mỗi giai đoạn phát triển, rồi thay đổi cách chế biến, trang trí món ăn bắt mắt, đa dạng thực phẩm, đừng trộn lẫn các loại với nhau để nắm được sở thích của con, từ đó biết được con của mình hào hứng với loại thức ăn nào.
Song song đó thì cha mẹ cần phải kiên quyết không thỏa hiệp với trẻ về thói quen ăn vặt trước bữa chính, ăn quá khuya, ăn đồ chiên rán và ăn đồ ngọt. Không nên sắp xếp bữa chính và bữa phụ quá gần nhau, hãy để thực phẩm có thời gian để tiêu hóa, chỉ có như vậy con mới hào hứng với bữa tiếp theo.
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, để giúp trẻ ăn ngon tăng sức đề kháng hãy tập cho con thói quen ngồi ăn tập trung ngay từ những ngày đầu tiên, tránh tình trạng ăn rong, sẽ hình thành thói quen không tốt cho con sau này. Ngoài ra cũng cần sắp xếp thời gian hợp lý để bé có thể hoạt động thể chất phù hợp. Cho bé vui chơi hay tham gia tập thể dục sẽ là cách để giúp bé khỏe hơn, hạn chế thời gian xem tivi hay ngồi ì một chỗ.
Các bậc cha mẹ cũng nên nhớ, việc tạo cảm giác thèm ăn lành mạnh, tự nhiên ở trẻ là điều quan trọng nhất. Để làm được điều này, hãy cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cho con, vừa kích thích ngon miệng và vừa tốt cho hệ tiêu hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện được thể lực như L-Lysine, kẽm, sắt, vitamin nhóm B, canxi, vitamin C, vitamin D, mangan, I-ốt, Magie...
Đảm bảo được những điều trên thì trẻ mới tăng cân bền vững, không có nguy cơ béo phì, bởi khi đáp ứng đủ dưỡng chất cơ thể sẽ được “nuôi dưỡng” từ bên trong, giúp trẻ ăn ngon, ngủ tốt, đủ sức khỏe để đương đầu với những tác nhân gây nên bệnh từ tác hại bên ngoài môi trường
2. 6 phương pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ tốt nhất
a. Xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng là một biện pháp giúp trẻ ăn ngon miệng trong quá trình phát triển của trẻ. Theo đó các bậc cha mẹ cần chú ý bổ sung cho bé đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
Ở mỗi độ tuổi nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ sẽ khác nhau nên cha mẹ hãy tìm hiểu kỹ về chế độ ăn với từng độ tuổi. Đặc biệt là với các bé trong giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi. Do đây là độ tuổi mà bé phát triển rất nhanh và hấp thu tốt.
Việc bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất không chỉ giúp bé có sức đề kháng tốt mà còn khiến bé tiếp tục duy trì đà phát triển tốt. Không chỉ cần đảm bảo về việc cho trẻ ăn thế nào ba mẹ cần tập cho trẻ ăn đúng giờ, đều đặn, tập trung tuyệt đối vào bữa ăn. Đồng thời, hãy thay đổi thực đơn để tạo hứng thú và cảm giác ngon miệng cho bé. Một bữa ăn hoàn hảo cho bé cần phải đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết, không nên chỉ tập trung vào một loại chất.
b. Cho trẻ uống đủ nước
Nước là thành phần quan trọng trong cơ thể có tác dụng giúp đưa bạch cầu đi khắp cơ thể, đào thải các chất độc hại ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi, tiểu tiện, đồng thời góp phần tăng cường trao đổi chất đối với trẻ, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho tế bào. Vì thế, uống đủ nước cũng là một cách giúp trẻ ăn ngon tăng sức đề kháng.
Trẻ em là nhóm đối tượng rất ít khi tự chủ động uống nước và chỉ uống nước khi khát. Để thay đổi điều này thì cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen uống đủ nước mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng cũng như cường độ hoạt động và vui chơi của từng bé.
c. Tăng cường thực phẩm nâng cao sức để kháng
Thực phẩm cung cấp hằng ngày trong mỗi bữa ăn sẽ có tác động trực tiếp tới hệ miễn dịch của trẻ. Do đó, cha mẹ trẻ cần bổ sung những loại phẩm đa dạng giúp nâng cao sức đề kháng vào khẩu phần ăn của bé. Các loại thực phẩm sau được xem là có nhiều tác dụng đối với đề kháng cũng như sự phát triển của trẻ:
- Cá: Chứa lượng lớn các chất chống oxy hóa giúp tăng cường khả năng của hệ miễn dịch.
- Thực phẩm giàu kẽm như gan động vật, tôm, cua, thịt bò, các loại ngũ cốc, các loại hạt,... không chỉ cung cấp nhiều kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng và giúp bé chống lại những virus gây bệnh. Không những thế, kẽm còn giúp tăng cảm giác thèm ăn tự nhiên ở trẻ.
- Khoai lang: rất giàu beta-carotene và vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm, nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.
- Các loại trái cây như: Chuối giàu vitamin B6, kali và chất xơ; cam, quýt cung cấp vitamin C dồi dào; nho thì tăng cường chất chống oxy hóa,... hỗ trợ tích cực đến hệ miễn dịch.
d. Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ
Một giấc ngủ ngon rất quan trọng cho sự phát triển của bé và hỗ trợ làm tăng sức đề kháng cho trẻ; tăng khả phát triển trí tuệ, chiều cao, cân nặng. Bởi khi ngủ ngon bé có một tinh thần thoải mái, chơi ngoan cả ngày.
Các chuyên gia về giấc ngủ trẻ em cho rằng, ở mỗi độ tuổi khác nhau thì tổng thời gian giấc ngủ trong ngày cũng khác nhau, cụ thể:
- Trẻ từ 4 – 12 tháng: Cần ngủ đủ 12-16 giờ/ngày
- Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Cần ngủ đủ 11-14 giờ/ngày
- Trẻ từ 3 – 5 tuổi: Cần ngủ đủ 10-13 giờ/ngày
- Trẻ từ 6 – 12 tuổi: Cần ngủ đủ 9-12 giờ/ngày
- Trẻ từ 13 – 18 tuổi: Cần ngủ đủ 8-10 giờ/ngày
- Người 18 tuổi trở lên: Cần ngủ đủ từ 7 giờ trở lên/ngày
e. Tiêm vắc-xin đầy đủ cho bé
Trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh cần được tiêm một số loại vắc-xin để phòng ngừa bệnh tật. Do đó ba mẹ cần phải đảm bảo cho trẻ tham gia đầy đủ các đợt tiêm phòng bắt buộc theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Còn đối với các vắc-xin dịch vụ thì ba mẹ hoàn toàn có thể cân nhắc tùy vào điều kiện của gia đình.
f. Dạy trẻ cách tự vệ sinh cá nhân
Trẻ nhỏ trong giai đoạn này thường tập trung vào việc khám phá thế giới xung quanh nên thường không quá chú trọng đến việc giữ gìn vệ sinh cá nhân nếu không được ba mẹ hướng dẫn. Vì vậy ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy làm gương và tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước và sau khi ăn hay sau khi vui chơi và đặc biệt là khi ra ngoài trở về nhà.
Sức đề kháng được ví như một lớp áo giáp bảo vệ sức khỏe của cả người lớn và trẻ em một cách hiệu quả nhất. Chúng có khả năng chống lại sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài môi trường. Do đó việc đảm bảo cho trẻ một sức đề kháng tốt sẽ giúp cơ thể bé ngăn chặn được một số tác nhân gây hại từ môi trường.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo giấc ngủ cho trẻ... thì cha mẹ cần cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... cho trẻ để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt và tăng cường đề kháng để ít ốm vặt, ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần phải bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay là các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không được cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục những loại thực phẩm chức năng.
Nguồn: vinmec.vn
Comments powered by CComment