Trị cảm sai cách hoặc để trẻ bị cảm kéo dài nhiều ngày có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Vậy khi trẻ có triệu chứng các mẹ cần làm gì để trẻ nhanh hết bệnh?
Cần xác định xem là trẻ bị cảm lạnh hay cảm cúm
Cảm là bệnh lý, nguyên nhân thường gặp là do trẻ bị nhiễm virus có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp, trong những thời điểm giao mùa hay khi thời tiết thất thường như mưa gió, trời quá lạnh, quá nóng. Khi trẻ có dấu hiệu cảm, ho, sổ mũi thì điều đầu tiên mẹ cần làm là xác định là trẻ đang bị cảm lạnh hay cảm cúm. Bởi vì tuy có những triệu chứng giống nhau nhưng cảm lạnh và cảm cúm có mức độ nguy hiểm và giải pháp điều trị khác nhau.
- Cảm lạnh: Các triệu chứng, sổ mũi, nghẹt mũi, nước mũi trong, hắt hơi liên tục, mệt mỏi khó chịu và sốt nhẹ. Cảm lạnh thông thường không nguy hiểm, với trẻ có đề kháng tốt kết hợp chăm sóc đúng cách, trẻ có thể khỏi trong 2-3 ngày. Nhưng nếu không biết cách chăm sóc, trẻ bị cảm lạnh sẽ có nguy cơ cao mắc phải các bệnh dạng viêm: như viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm phế quản, hay viêm phổi… Khi thấy trẻ nhỏ bị cảm lạnh, các mẹ đừng vội cho trẻ dùng kháng sinh mà nên đưa bé đi khám bác sĩ để cho dùng thuốc và biện pháp y tế khác để ngăn ngừa các dạng viêm.
- Cảm cúm: Thường có các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh như: Sổ mũi, nghẹt mũi, ho, ho khan, sốt cao hơn (hoặc có thể không sốt), trẻ run rẩy, ớn lạnh, cảm thấy khó chịu, mệt mỏi hơn, có thể khiến trẻ mê man,... Khi trẻ bị cảm cúm, nếu có 1 trong các dấu hiệu sau: Sốt cao trên 38,5 độ, ho dai dẳng kéo dài hơn 5 ngày, tiêu chảy, nôn mửa… Mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Chú ý hơn khi chăm sóc trẻ bị cảm ho sổ mũi
Khi bé nhà mẹ có các dấu hiệu bị cảm, ho và sổ mũi, trong sinh hoạt hằng ngày của bé, mẹ hãy lưu ý những điểm sau:
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ: Khi trẻ bị cảm sổ mũi đừng để trẻ bị lạnh vì sẽ khiến các triệu chứng bệnh nặng hơn. Nếu mùa thu đông hãy mặc đồ dài tay, ấm mềm, thoáng cho trẻ. Không cho trẻ mặc đồ quá dày, quá kín làm trẻ ra mồ hôi dễ nhiềm lạnh.
- Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý và giữ vệ sinh nơi trẻ ăn ngủ, chơi để giảm các tác nhân gây bệnh
- Cách ly trẻ với người bị bệnh cảm: Vì sẽ dễ khiến trẻ bị lây bệnh nhiều lần và lâu khỏi bệnh hơn
- Giữ vệ sinh sạch sẽ mũi họng: Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, họng cho trẻ để làm loãng dịch mũi, đờm, giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Chế độ ăn giàu dinh dưỡng: trẻ bị cảm sổ mũi thường dễ nôn trớ, lười ăn. Vì vậy mẹ hãy nấu cho bé những món mềm, dễ ăn, giàu dinh dưỡng và giúp trẻ tăng đề kháng. Cụ thể: Trẻ đang bú mẹ hãy cho trẻ bú mẹ nhiều hơn nữa, nếu là trẻ lớn cho trẻ uống nhiều nước, ăn súp cháo, uống sữa,… ăn thêm thực phẩm giàu kẽm: bò, trứng gà, rau xanh đậm, và thực phẩm giàu Vitamin A, C, E.
- Đừng vội dùng kháng sinh: Kháng sinh chỉ có tác dụng với bé bị bệnh do vi khuẩn. Với trường hợp bé bị cảm ho sổ mũi do virus gây nên thì kháng sinh không có hiệu quả, đồng thời còn làm trẻ rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, suy giảm miễn dịch khiến bệnh lâu khỏi và dễ tái phát hơn. Mẹ chỉ cho trẻ dùng kháng sinh khi đã được bác sĩ thăm khám và kê đơn.
Mách mẹ cách rửa mũi cho trẻ với nước muối sinh lý
Khi trẻ sổ mũi, cảm lạnh, cảm cúm, việc dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi giúp vệ sinh vùng mũi, làm sạch lớp vảy cứng trong niêm mạc mũi, làm tan dịch nhầy, và các loại bụi bẩn khác, hạn chế sự sinh sôi các vi khuẩn có hại nhờ vậy hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
Tuy nhiên nếu rửa mũi cho trẻ không đúng cách như: sử dụng nước muối nồng độ quá cao, để đầu ống của lọ nước muối chạm vào mũi bé,... nhiều khi lại phản tác dụng khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn. Vì vậy, thấy con có hiện tượng sổ mũi, nghẹt mũi mẹ rửa mũi cho con theo 5 bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị: nước muối có nồng độ NaCl 0,9%, khăn mềm, sạch.
- Bước 2: Các mẹ hãy xì mũi và hoặc dùng dụng cụ hút sạch nước mũi của trẻ trước khi nhỏ.
- Bước 3: Để trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường, đầu thấp, mông cao và dùng 1 tay giữ đầu trẻ để tránh trẻ giãy giụa. Đưa đầu ống của lọ nhỏ nước muối sinh lý vào 1cm với hốc mũi nhưng không được chạm vào mũi bé. Nhỏ từ từ 1-2 giọt nếu trẻ bị sổ mũi, 2-3 giọt nước muối sinh lý nếu trẻ bị ngạt mũi. Chờ 5 giây cho nước muối ngấm, nhẹ nhàng dùng ngón tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.
- Bước 4: Đưa đầu ống vào lỗ mũi trẻ bóp nhanh (đừng quá mạnh khiến trẻ sặc) để nước muối đi từ lỗ mũi này chảy qua lỗ mũi bên kia và cuốn theo rỉ mũi, dịch mũi. Nếu bé nghẹt mũi, dịch mũi đặc thì mẹ dùng dụng cụ hút mũi cho trẻ.
- Bước 5: Lật trẻ nằm thẳng lại, cho đầu cao hơn để nước mũi còn lại chảy ra hết. Dùng khăn lau cho trẻ.
*Lưu ý: Ngoài triệu chứng sổ mũi, khi cảm trẻ thường hay ho, với trẻ trên 1 tuổi có triệu chứng ho cảm thì mẹ hãy cho trẻ uống nước ấm pha mật ong và chanh để làm dịu cổ họng của trẻ giúp cổ họng đỡ rát, đồng thời giúp tăng đề kháng tốt hơn. Nếu trẻ ho khò khè có đờm mẹ hãy cho trẻ uống nhiều nước, bú nhiều sữa mẹ để làm loãng đờm.
Nguồn tham khảo
Comments powered by CComment