Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm. Biểu hiện chính là loét miệng và/hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, cao điềm vào tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng
- Vết loét đỏ hay bóng nước đường kính 2-3mm, vị trí ở vòm họng hoặc niêm mạc má, nướu, lưỡi gây tăng tiết nước bọt, đau, bỏ ăn.
- Bóng nước ở vị trí lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, kích thước 2-10 mm. Bóng nước có hình bầu dục, nổi cộm hay ẩn dưới da, trên nền hồng ban, không đau, không ngứa.
Dấu hiệu bệnh chuyển độ bệnh tay chân miệng:
- Giật mình chới với
- Run chi
- Đi loạng choạng
- Thở mệt
- Sốt cao ≥ 39 độ C
- Nôn ói nhiều
Các biến chứng của bệnh tây chân miệng
Biến chứng thần kinh:
- Viêm màng não vô trùng: trẻ sốt kèm nhức đầu, nôn ói và có dấu màng não. Diễn tiến lành tính nếu không kèm tổn thương não.
- Viêm thân não: trẻ bị giật mình, chới với, dấu hiệu thất điều (run chi, ngồi không vững, đi đứng loạng choạng).
- Viêm não: trẻ bị rối loạn tri giác từ mức độ nhẹ đến nặng: lừ đừ, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê.
- Rối loạn hệ thần kinh thực vật: trẻ xuất hiện vã mồ hôi toàn thân, da nổi bông, nhịp tim nhanh, thở nhanh, tăng huyết áp.
Biến chứng hô hấp – tuần hoàn:
- Mạch nhanh, nhịp tim trên 130 lần/phút, thời gian phục hồi màu sắc da trên 2 giây.
- Thở không đều, thở nhanh, rút lõm ngực.
Điều trị bệnh tay chân miệng
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ
- Điều trị triệu chứng:
- Giảm đau, hạ sốt: Paracetamol 10-15 mg/kg x 3-4 lần trong ngày
- Có thể sử dụng antacide dạng gel (Phosphalugel) chấm vào sang thương ở miệng.
- Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị tích cực biến chứng.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo). Không cần kiêng cử gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
- Chỉ định điều trị tùy theo mức độ nặng của bệnh.
Theo dõi
- Tái khám: mỗi 1-2 ngày trong vòng 7 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt 48 giờ
- Dấu hiệu nặng cần khám lại ngay (dấu hiệu chuyển độ)
- Cách chăm sóc trẻ tại nhà: dùng thức ăn lỏng, giữ vệ sinh răng miệng, tránh tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 10 ngày.
Phòng ngừa
- Vac-xin phòng bệnh: hiện tại chưa có vac-xin.
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh)
- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
- Cách ly trẻ bệnh trong tuần đầu tiên.
Bs.CKI: Lư Trường Thành
Comments powered by CComment