24/7

Theo WHO hằng năm có tới 1,3 tỷ trẻ bị tiêu chảy và 4 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Tiêu chảy kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà người bệnh cần lưu ý để điều trị đúng.

Bài viết được sự tư vấn chuyên môn của Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC, sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh tiêu chảy kéo dài để phụ huynh có những phương pháp điều trị đúng cách, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.

1. Tiêu chảy kéo dài là tình trạng gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, có nhiều nước hơn bình thường hoặc phân toàn nước, đi ngoài trên 3 lần trong vòng 24 giờ. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ thường đi ngoài trên 3 lần trong một ngày nhưng phân nát hoặc sền sệt thì không phải là tiêu chảy.

Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm dễ gặp ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào, thường phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Những trường hợp bệnh nhẹ, có thể kết thúc sớm trong vòng 1-2 ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp diễn biến xấu và kéo dài hơn, đó là khi người bệnh xuất hiện triệu chứng tiêu chảy kéo dài.

Tiêu chảy kéo dài thường xuất hiện trên 14 ngày và được phân làm 2 loại, bao gồm: Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính. Với tiêu chảy cấp, thời gian bệnh sẽ kéo dài khoảng 2 tuần. Còn đối với tiêu chảy mãn tính, thời gian bệnh sẽ dai dẳng từ 3-4 tuần. Nói cách khác, người bệnh tiêu chảy kéo dài sẽ gặp tình trạng đi ngoài lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài nếu không tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị đúng.

Thời tiết giao mùa nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn bùng phát, gây tiêu chảy kéo dài. Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Khi bị tiêu chảy, trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

2. Trẻ bị tiêu chảy kéo dài nguyên nhân do đâu?

CDC Hoa Kỳ cảnh báo: Tiêu chảy là 1 trong 9 “sát thủ” gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới. Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch lớn. Tiêu chảy kéo dài do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chia ra làm 2 nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.

Tiêu chảy do nhiễm khuẩn gây ra bởi một số loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ thực phẩm, đồ uống bị nhiễm bẩn như vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, Shigella, Escherichia coli,… hoặc một số loại virus như Rota, Norwalk, Cytomegalo, Herpes… Ngoài ra tiêu chảy cũng có thể gây nên do một số loại ký sinh trùng đường ruột xâm nhập và ký sinh ở hệ tiêu hóa như Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cryptosporidium …

Theo CDC Hoa Kỳ, khoảng 88% trường hợp tử vong liên quan đến tiêu chảy là do nước không an toàn, vệ sinh không đầy đủ. Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp và có khoảng 40% nhập viện vì tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tiêu chảy do không nhiễm khuẩn gây ra ở một số người có cơ địa không thể tiêu hóa được một vài thành phần trong thức ăn như không dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa; dị ứng thức ăn; bị tác dụng phụ của thuốc hoặc phản ứng của một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống acid dạ dày chứa chất magnesium.

Ngoài ra, các bệnh về đường ruột như viêm ruột (bệnh Crohn), bệnh đường tiêu hóa gây tổn thương ở ruột non và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (bệnh Coeliac); rối loạn chức năng co bóp ruột như hội chứng tăng nhu động ruột do kích thích… cũng tạo điều kiện cho tiêu chảy xuất hiện.

Tùy theo nguyên nhân khác nhau, ngoài triệu chứng tiêu chảy, người bệnh có thể có một số triệu chứng khác đi kèm như đau quặn bụng, chướng bụng, buồn nôn và nôn, mót rặn, sốt, đi ngoài ra máu…

3. Thời điểm nào trẻ dễ bị tiêu chảy nhất?

Tại nước ta, bệnh tiêu chảy kéo dài ở trẻ em có thể xuất hiện quanh năm, song có hai thời điểm bệnh thường bùng phát, đó là:

  • Thời điểm vào mùa nóng: đây là thời điểm có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn. Cùng với đó, người dân thường xuyên ăn uống bên ngoài nhiều hơn, vì vậy dễ mắc bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, theo thống kê của WHO, trung bình mỗi năm có khoảng 2 triệu người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Chi phí điều trị cho số lượng bệnh nhân này lên đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm
  • Thời điểm vào mùa lạnh: lúc này người dân thường ở trong nhà, tập trung đông đúc, điều này sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan. Vì vậy trẻ cũng dễ mắc phải những đợt dịch tiêu chảy do virus, đặc biệt là do Rotavirus.

4. Tiêu chảy kéo dài có nguy hiểm hay không?

Mối nguy hiểm tiềm ẩn của tiêu chảy kéo dài đã được CDC Hoa Kỳ khuyến cáo: “Tiêu chảy giết chết nhiều trẻ em hơn cả sốt rét, sởi và AIDS kết hợp.”

Tiêu chảy kéo dài có thể xuất hiện từ một tuần đến 3 – 4 tuần. Nếu được xử lý đúng cách, bệnh sẽ không gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe. Tuy nhiên, nếu phụ huynh chủ quan không phát hiện, điều trị kịp thời cho trẻ bị tiêu chảy, một số trường hợp có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, khiến trẻ rơi vào hôn mê, suy kiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây trụy mạch, suy dinh dưỡng, mất nước.

  • Nếu đi ngoài quá nhiều lần có thể gây hăm loét đỏ ở vùng quanh hậu môn.
  • Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tác động bất lợi đến sự tăng trưởng của trẻ em và sự phát triển nhận thức. Trẻ em tử vong vì tiêu chảy phần lớn đều bị suy dinh dưỡng, đồng thời tiêu chảy sẽ khiến cho tình trạng suy dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn.
  • Mất nước, mất điện giải: Mối đe dọa nghiêm trọng nhất do tiêu chảy là mất nước. Trong giai đoạn tiêu chảy, nước và chất điện giải (natri, clorua, kali và bicarbonate) bị mất qua phân lỏng, nôn mửa, mồ hôi, nước tiểu và thở. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh có thể bị co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong.

5. Làm gì khi bị tiêu chảy kéo dài?

Tiêu chảy là một trong số những bệnh thường gặp ở trẻ em, căn bệnh này tưởng chừng không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tử vong cho trẻ em ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó các bậc phụ huynh không được phép chủ quan, lơ là trong việc điều trị.

a. Điều trị mất nước, mất điện giải

Trẻ khi bị tiêu chảy kéo dài thường bị mất nước, cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy đường ruột vẫn hấp thu nước được, vì vậy phải cho trẻ uống bù nước, điện giải ngay.

Nguyên nhân gây ra tiêu chảy ít khi được phát hiện sớm ngay, vì vậy điều trị tiêu chảy về cơ bản vẫn dựa vào phòng chống mất nước của cơ thể. Việc sử dụng sớm Oresol nhằm bù nước và điện giải đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các trường hợp tiêu chảy nên được dùng Oresol áp lực thẩm thấu thấp. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi cần được bổ sung chất kẽm để điều trị và phòng chống tiêu chảy.

Những trẻ mất nước nhẹ có thể điều trị tại nhà. Trẻ mất nước vừa thì tùy theo tình trạng chung của trẻ có thể được chữa tại nhà có hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhập viện điều trị. Những trẻ mất nước nặng nhất thiết phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết: “Những trường hợp bị tiêu chảy có dấu hiệu mất nước hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm như: tiêu chảy phân toàn nước với khối lượng nhiều, bị sốt cao trên 39 độ C; phân có máu, chất nhầy hoặc có màu đen; đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều… người nhà cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, chẩn đoán, xử trí và điều trị kịp thời; không nên chần chừ, coi thường vì có thể nguy hại đến sức khỏe, kể cả tính mạng của người bệnh, đặc biệt ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng”.

b. Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tiêu chảy kéo dài, chế độ dinh dưỡng hợp lý có tác dụng phục hồi sớm tổn thương niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian tiêu chảy. Vì vậy, nên sử dụng các thức ăn dễ tiêu hóa hấp thu, giá trị dinh dưỡng cao, có đủ protein năng lượng. Cần lưu ý đến tình trạng kém dung nạp lactose, dị ứng protein sữa bò và những thức ăn, nước uống có nồng độ đường, muối quá cao dễ gây tiêu chảy.

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ thì tạm thời pha loãng sữa công thức phù hợp với độ tuổi của trẻ. Lưu ý xem trẻ có dị ứng với lactose khi dùng sữa công thức hay không vì có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy ở trẻ.
  • Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi: Tiếp tục bú sữa mẹ. Pha loãng sữa động vật bằng nước cháo để làm giảm 50% nồng độ đường lactose hoặc sữa chua chua, đậu nành. Cần bổ sung đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc, đạm thực vật hoặc đậu đỗ, rau xanh, dầu mỡ) để trẻ dễ tiêu hóa, chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày.
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc ăn sữa động vật pha loãng, sữa chua. Bảo đảm năng lượng 100 – 110 kcal/kg mỗi ngày. Chế biến thức ăn dưới dạng mềm, lỏng và thêm dầu thực vật để sớm phục hồi tổn thương niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian tiêu chảy.

Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường theo lứa tuổi và cho ăn thêm mỗi ngày một bữa, kéo dài một tháng sau khi khỏi bệnh.

c. Dùng thuốc điều trị tiêu chảy có khả năng bảo vệ niêm mạc ruột

Niêm mạc ruột có vai trò quan trọng trong các hoạt động hấp thu chất dinh dưỡng, giúp cơ thể khỏe mạnh. Khi bị tiêu chảy, niêm mạc ruột rất dễ bị tổn thương, thậm chí bị phá hủy. Do đó, khi điều trị, bảo đảm niêm mạc ruột là cần thiết. Ở trẻ nhỏ bất cứ thuốc tiêu chảy nào cũng nên được chỉ định bởi bác sĩ.

Trong trường hợp cần dùng thuốc, người bệnh nên chọn thuốc có chứa hoạt chất Diosmectite vừa điều trị tiêu chảy hiệu quả, vừa giúp bảo vệ niêm mạc ruột, vừa hấp phụ các vi khuẩn, virus và độc tố trong đường ruột để thải ra ngoài giúp hết bệnh nhanh.

Ngoài ra, có thể dùng kháng sinh để trị tận gốc tiêu chảy do nhiễm khuẩn như: Tetracyclin, Norfloxacin, Ciprofloxacin,… khi đã được sự đồng ý của bác sĩ.

6. Những sai lầm cần tránh khi bị tiêu chảy kéo dài

ai lầm phổ biến nhất là cho trẻ nhịn ăn. Thông thường, khi trẻ tiêu chảy không nên ép ăn, nhưng cũng không nên bắt trẻ nhịn ăn. Nên ăn thức ăn dễ tiêu và nhẹ vừa phải. Nhiều trường hợp trẻ tiêu chảy nhiều mà không được cho ăn sẽ dẫn đến hạ đường huyết, có thể gây co giật.

“Nhiều phụ huynh cũng không cho trẻ uống nước vì sợ “uống bao nhiêu ra bấy nhiêu”. Cần phải quan niệm ngược lại “ra bao nhiêu thì uống bấy nhiêu và hơn nữa”. Khi trẻ tiêu chảy kéo dài, cơ thể trẻ mất một lượng nước đáng kể, do đó phải cung cấp thêm nước cho trẻ để bù lại lượng nước đã mất. Trẻ có thể khó uống, dễ nôn, do đó nên cho trẻ uống bằng thìa từng ngụm nhỏ và thường xuyên”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, không ít bà mẹ còn tự điều trị cho trẻ bằng thuốc cầm tiêu chảy, hoặc tự cho trẻ uống kháng sinh,… Tiêu chảy do vi khuẩn, độc tố vi khuẩn nằm trong ruột nhiều nên thải phân ra càng nhiều càng tốt, chỉ cần cung cấp nước cho trẻ và đưa trẻ đi khám kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy ở trẻ em.

7. Phòng ngừa tiêu chảy kéo dài như thế nào

Để chủ động phòng chống tiêu chảy kéo dài, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
  • Cho ăn dặm đúng cách, hợp vệ sinh và đầy đủ các chất (đạm, béo, đường, hoa quả).
  • Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
  • Cho trẻ ăn bổ sung đúng và hợp lý, đảm bảo vệ sinh khi chế biến, bảo quản, dùng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch và tươi không bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.
  • Rửa tay bằng xà phòng: Sau khi đi vệ sinh, thay tã lót cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.
  • Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng. Uống vắc xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus.

Hiện VNVC đang có sẵn 3 loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus rota, bao gồm Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ) và Rotavin-M1 (Việt Nam). Vắc xin phòng virus Rota được sử dụng qua đường uống chứ không phải đường tiêm. Tùy vào mỗi loại vắc xin mà lịch uống có sự khác nhau:

  • Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều (mỗi liều 1.5 ml). Liều đầu tiên uống vào lúc 1.5 tháng tuổi và sau tối thiểu 4 tuần uống liều tiếp theo. Cần hoàn thành phác đồ trước 24 tuần tuổi.
  • Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều (mỗi liều 2 ml). Liều đầu tiên trong khoảng 7.5 – 12 tuần tuổi, các liều còn lại cách nhau tối thiểu một tháng. Cần hoàn thành phác đồ trước 32 tuần tuổi.
  • Vắc xin Rotavin-M1 (Việt Nam): uống 2 liều, liều đầu vào 6 tuần tuổi, liều thứ 2 sau liều đầu tiên từ 1-2 tháng. Nên cho trẻ hoàn thành uống vắc xin Rotavin-M1 trước 6 tháng tuổi.

Nguồn: vnvc.vn

Comments powered by CComment

 
 logo.png

Trụ sở: 124 Phan Xích Long, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

Các cơ sở: Phòng Khám Rồng Việt

Hotline: 0902719169