Nấm miệng ở trẻ em thường xảy ra trong độ tuổi sơ sinh cho đến 1 tuổi. Nguyên nhân thường là do hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.
Vậy ở những lứa tuổi rất khó chăm sóc sức khỏe răng miệng như thế này cần điều trị nấm khoang miệng như thế nào?
1. Nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ
Nguyên nhân gây ra nấm miệng ở trẻ em chủ yếu do loại nấm men Candida, một loại nấm cơ hội luôn hiện diện trong cơ thể người đặc biệt là trẻ nhỏ. Nấm hay tồn tại ở những vùng tương đối ẩm ướt như niêm mạc miệng, ruột, âm đạo, bẹn, các nếp gấp ở da. Khi tình trạng vệ sinh hay sức để kháng kém, chúng có thể phát triển mạnh mẽ gây ra bệnh. Nấm cũng có thể lây từ mẹ sang con trong lúc sinh hoặc nhiễm thứ phát sau sinh.
Những yếu tố chủ yếu khiến trẻ mắc phải nấm miệng có thể kể đến như:
- Trẻ đang sử dụng kháng sinh gây ra rối loạn hệ khuẩn chí
- Trẻ bị hăm bẹn dễ gây ra nấm bẹn và lan ra vùng khác do tiếp xúc, vệ sinh kém
- Mẹ bị nhiễm nấm tại đầu vú hay phần phụ ngoài
- Mẹ đang sử dụng kháng sinh, steroid, thuốc kháng acid,...
2. Trẻ bị nấm miệng phải làm sao?
Nấm khoang miệng ở trẻ khá thường gặp và không quá nguy hiểm nếu như ba mẹ nhận biết đúng và xử lý tốt cho trẻ. Việc đầu tiên cần làm là vệ sinh răng miệng cho trẻ và có thể điều trị tại chỗ bằng thuốc kháng nấm được bác sĩ kê đơn. Bên cạnh đó cần lưu ý một vài vấn đề sau khi đánh tưa miệng cho trẻ:
- Nên đánh tưa miệng cho trẻ vào lúc trước ăn, khi trẻ đói vì quá trình thực hiện có thể gây kích thích nôn trớ ở trẻ.
- Mẹ cần vệ sinh tay thật sạch sẽ, sau đó lấy miếng gạc quấn quanh ngón tay (ngón tay được sử dụng có kích cỡ phù hợp với miệng của trẻ) và nhúng vào nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc nhằm tránh cọ xát quá mạnh cho trẻ. Sau đó, dùng gạc thấm thuốc chống nấm (thường là Nystatin hay Miconazole với liều lượng phù hợp) đánh tưa theo thứ tự từ hai bên má, vùng khác trong vòm miệng và sau cùng là lưỡi, từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn trớ của trẻ.
- Nên tiếp tục rà miệng cho trẻ thêm 2 ngày với thuốc kháng nấm sau khi đã hết nấm để tránh trường hợp nấm tái phát trở lại.
- Rơ miệng cho trẻ tối đa 3-4 lần/ ngày và nhiều nhất 7 ngày
Nếu sau 7 ngày trẻ không đỡ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc kháng nấm khác như thuốc uống Nystatin dạng viên. Ngoài ra, việc vệ sinh các vật dụng hàng ngày thật sạch cũng rất quan trọng nhằm tránh mầm bệnh lây lan.
3. Phòng ngừa trẻ bị nấm miện như thế nào?
Một số biện pháp có thể phòng ngừa nấm miệng ở trẻ em gồm có:
- Vệ sinh khoang miệng và lưỡi cho trẻ đúng cách sau khi ăn: cho trẻ uống nước lọc nhằm làm sạch khoang miệng và lưỡi sau khi ăn hoặc cho trẻ súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Lau lưỡi cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý, 2 lần sáng và trước khi đi ngủ.
- Đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế có chuyên khoa nhi để có hướng điều trị tốt nhất khi vệ sinh đúng cách mà nấm miệng không thuyên giảm
- Khi rà lưỡi cho trẻ bằng mật ong ( khuyến cáo chỉ dùng cho trẻ trên 1 tuổi) cần cho trẻ uống nước lọc, tráng miệng để tránh lưu lại chất đường trong miệng và chỉ sử dụng một lượng mật ong rất nhỏ để tránh gây bỏng rát lưỡi cho trẻ.
- Tuyệt đối không sử dụng tùy tiện các loại thuốc uống hay kháng sinh, thuốc rắc lên lưỡi của trẻ để tránh gây viêm loét lưỡi.
Nấm miệng trẻ em là một tình trạng khá thường gặp, mặc dù bệnh không quá nguy hiểm, tuy nhiên bố mẹ không nên chủ quan và cần đưa trẻ đến y tế cũng như có biện pháp chăm sóc hợp lý để tình trạng nấm khoang miệng được thuyên giảm và không tái phát ở các lần sau.
Nguồn: vinmec.vn
Comments powered by CComment