Miền Nam đang bước vào mùa mưa với thời tiết nóng ẩm đan xem mưa bất chợt là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và các siêu vi đường hô hấp, đường tiêu hóa phát triển.
Trong thời điểm này, trẻ thường dễ mắc các bệnh lý sốt xuất huyết, tay chân miệng, nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy,… Chính vì thể, cha mẹ cần nâng cao cảnh giác, có các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời và phòng bệnh cho trẻ.
Sau đây là các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa mưa:
Sốt xuất huyết
- Dấu hiệu nhận biết: trẻ thường sốt cao liên tục, có thể cao tới 40 độ C, đau đầu, đau cơ, da sung huyết và xuất hiện những chấm xuất huyết rải rác tay chân. Bệnh có thể diễn tiến nặng từ ngày 3 đến ngày 7, trẻ có thể đau bụng, nôn ói nhiều, ói ra máu, tiêu phân đen, chân tay lạnh,… và nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Cách chăm sóc: hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Cho trẻ uống nhiều nước, không ăn uống thực phẩm có màu đỏ đen. Hạ sốt bằng Paracetamol, không sử dụng Ibuprofen, không truyền dịch. Khi có các dấu hiệu nặng: đau bụng nhiều, nôn ói, tay chân lạnh, chảy máu răng mũi, tiêu phân đen… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
- Cách phòng ngừa: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ quậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách cho trẻ mặc quần áo dài, nằm ngủ mùng kể cả ban ngày, cũng như các biện pháp khác được chỉ đạo bởi chính quyền địa phương.
Các bệnh lý hô hấp: nhiễm trùng hô hấp, viêm tiểu phế quản, viêm phổi là những bệnh lý hô hấp gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Viêm hô hấp trên, cúm
- Dấu hiệu nhận biết: triệu chứng thường đa dạng, trẻ có thể sốt nhẹ cho đến sốt cao, ho khan hoặc có đàm, chảy mũi, đau họng, đau tai, một số trẻ có thể thở rít, thở nhanh, bỏ ăn hoặc bỏ bú. Trẻ bị cúm có thể kèm theo đau cơ, chóng mặt, mệt mỏi.
- Cách chăm sóc: cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá và hướng dẫn. Cho trẻ nghỉ ngơi, uống đủ nước và ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
- Cách phòng ngừa: rửa tay thường xuyên và tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh.
Viêm phổi, viêm tiểu phế quản
- Dấu hiệu nhận biết: trẻ thường có biểu hiện sốt, ho có thể có đàm, bú kém hoặc bỏ bú và thở nhanh là triệu chứng đặc hiệu nhất cho trẻ viêm phổi. Đối với viêm tiểu phế quản, trẻ sẽ có biểu hiện khò khè kèm theo. Trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ có bệnh lý nền, trẻ nhỏ < 3 tháng là những trẻ có nguy cơ diễn tiến nặng.
- Cách chăm sóc: trẻ cần được đi khám để BS đánh giá mức độ bệnh, nếu nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà theo hướng dẫn. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao liên tục khó hạ, thở nhanh, thở mệt, li bì lừ, ăn uống kém, bỏ bú…, cần cho trẻ khám ngay để được can thiệp kịp thời.
- Cách phòng ngừa: rửa tay thường xuyên và tiêm phòng vắc xin đầy đủ (HiB, phế cầu) là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Đồng thời, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng và vệ sinh mũi họng sạch sẽ.
Hen suyễn
- Dấu hiệu nhận biết: trẻ có biểu hiện ho, khò khè, khó thở tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, hoặc tăng khi vận động.
- Cách chăm sóc: phụ huynh cần nhận biết sớm các triệu chứng hen suyễn ở trẻ và đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được đánh giá và điều trị kịp thời.
- Cách phòng ngừa: tránh tiếp xúc khói thuốc lá, khói bụi, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, tránh các thức ăn có tiền sử dị ứng, giữ ấm cơ thể, vệ sinh mũi họng. Đặc biệt, tiêm phòng vắc xin cúm để tránh nhiễm bệnh trong giai đoạn chuyển mùa làm tăng nguy cơ khởi phát cơn suyễn.
Các bệnh lý tiêu hóa: tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây biến chứng và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
- Dấu hiệu nhận biết: trẻ có thể tiêu lỏng (> 3 lần/ngày), phân có thể lỏng nước hoặc có nhày, máu, phân xanh, đau bụng, nôn ói kèm sốt. Nếu tiêu lỏng nhiều, trẻ có thể có biểu hiện mất nước từ nhẹ đến nặng.
- Cách chăm sóc: điều trị chủ yếu là uống đủ và bù lại lượng nước đã mất. Đối với trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, sử dụng kháng sinh theo chỉ định của BS. Trẻ có biệu hiện mất nước nặng hoặc nôn ói nhiều, không thể uống được, cần nhập viện để theo dõi sát và bù dịch tĩnh mạch kịp thời.
- Cách phòng ngừa: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường sống, rửa tay thường xuyên và cho trẻ uống vắc xin Rota phòng tiêu chảy.
Cách chăm sóc và phòng bệnh mùa mưa cho trẻ
- Ăn uống và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn thức ăn đã được nấu chín và nước đun sôi để nguội.
- Rửa tay thường xuyên, trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh,…
- Vệ sinh nhà cửa, thoáng mát. Diệt lăng quăng, tránh nước đọng. Cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày.
- Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém,… cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tác giả: Ths.BS Lưu Hồng Ngọc Phương
Comments powered by CComment