24/7

Bệnh sốt xuất huyết Dengue xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh thường gặp ở trẻ em và cả người lớn.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị khó khăn.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

benh xuat huyet dengue 2

Biểu hiện của bệnh:

  • Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
  •  Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
  • Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh

Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  •  Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
  •  Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng sốc do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

benh xuat huyet dengue 3

Khi nào cần gặp bác sĩ? Nhập viện?

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và điều trị dựa trên triệu chứng. Tuy nhiên khi có các biểu hiện sau, bệnh nhân cần được đưa nhập viện ngay.

  • Không ăn uống được, nôn ói nhiều.
  • Đau bụng nhiều hơn.
  • Tay chân lạnh, ẩm.
  • Cảm thấy khó chịu nhiều hơn mặc dù đã giảm hoặc hết sốt.
  • Mệt mỏi người li bì, bứt rứt, thay đổi hành vi.
  • Chảy máu mũi, ói ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, có máu lẫn ở trong phân, tiêu phân đen.
  • Trên 6 giờ không tiểu tiện.

benh xuat huyet dengue 4

Khi bệnh nhân có 1 trong những dấu hiệu trên cần đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh những biến chứng xấu xảy ra.

Chú ý: Trẻ sốt cao liên tục trên hai ngày thì phải khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue vào thời điểm nào?

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus gây ra triệu chứng đầu tiên là sốt, theo cảnh báo thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, do đó bạn nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 của sốt.

Người bệnh cần làm các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để theo dõi số lượng tế bào máu thay đổi hàng ngày và các xét nghiệm chẩn đoán virus gồm xét nghiệm về kháng nguyên và kháng thể.

Cách điều trị sốt xuất huyết Dengue

Vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết / sốt xuất huyết nặng, nhưng phát hiện sớmđến sớm các cơ sở y tế để được chăm sóc y tế đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%.

Lưu ý: Tuyệt đối không cho người bệnh sốt xuất huyết uống Aspirin, Analgin, Ibuprofen, vì thuốc này có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng do xuất huyết hoặc toan máu.

Người bệnh sốt xuất huyết Dengue nên ăn uống ra sao?
Chế độ ăn:

  • Bữa ăn: Chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày (trẻ em: 6-8 bữa/ngày, người lớn 4- 6 bữa/ngày)
  • Thực phẩm: Mềm, lỏng, nhiều nước, không màu như sữa, cháo, phở.
  • Protein: thường nhu cầu cao hơn bình thường (trứng, sữa, thịt, cá,…)
  • Lipid và cacbohydrat: là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu như sữa, nước đường, nước trái cây và lipid thực vật.
  • Cung cấp đủ nước, giàu sinh tố và muối khoáng: nước trái cây, rau quả, mật ong.
  • Khuyến khích trẻ ăn nhiều bằng những món ăn hấp dẫn hơn là ép ăn những gì trẻ không thích.

benh xuat huyet dengue 5

Giai đoạn hồi phục: Ăn bù thêm một bữa một ngày như tăng bữa phụ (chè, cháo, sữa chua, trái cây). Vẫn nên ăn thực phẩm mềm sau 3 ngày để phòng xuất huyết tiêu hoá.

Phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue như thế nào?
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

  • Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
    • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
    • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
    • Vệ sinh các dụng cụ chứa nước nhỏ hàng tuần.
    • Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, ... Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
    • Bỏ muối vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông thường xuyên
  • Phòng chống muỗi đốt:
    • Mặc quần áo dài tay.
    • Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
    • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
    • Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
    • Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

benh xuat huyet dengue 6

Tác giả: BS CKI Trần Quốc Thạch

Tài liệu tham khảo
1. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue, QĐ 3705/QĐ-BYT (2019).
2. Bhatt, S., et al., The global distribution and burden of dengue. Nature, 2013. 496(7446): p. 504–507.
3. WHO. (2009). Dengue guidelines, for diagnosis, treatment, prevention and control.
4. WHO. (2024). Dengue and severe dengue.

Comments powered by CComment

 
 logo.png

Trụ sở: 124 Phan Xích Long, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

Các cơ sở: Phòng Khám Rồng Việt

Hotline: 0902719169