Hotline 24/7

Ngày nay có rất nhiều bệnh nguy hiểm xảy ra ở trẻ em. Vì vậy tiêm chủng được xem là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em.

Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm chủng, cũng như sau khi tiêm chủng chúng ta cần theo dõi và chăm sóc trẻ như thế nào? Đây cũng là chủ đề được khá nhiều bậc phụ huynh quan tâm khi mà ngày nay việc tiếp cận với tiêm chủng ngày càng được dễ dàng nhờ vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Vì thế, hôm nay chúng ta cùng lắng nghe sự chia sẻ của bác sĩ đến từ Phòng khám Rồng Việt nhé.

1. Gia đình cẩn chuẩn bị gì trước khi tiêm chủng?

Điều đầu tiên, các bậc phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của trẻ trước tiêm chủng như thế nào:

  • Trẻ có đang sốt hay có nhiễm trùng gì hay không? Ví dụ như những nhiễm khuẩn đường hô hấp: Trẻ có ho, khò khè không?
  • Trẻ ăn uống được không, có đau bụng hay nôn ói gì không?
  • Trẻ có đang sử dụng thuốc gì trong thời gian gần đây hay không? Nếu có thể cung cấp được liều sử dụng 1 số thuốc đặc biệt càng tốt.
  • Trẻ có bệnh nền gì không?
  • Trẻ có tiền căn dị ứng hay không? Dị ứng với cái gì và mức độ dị ứng như thế nào?

Trước ngày tiêm chủng:

  • Chúng ta cho trẻ ăn uống bình thường, ko cần ăn kiêng khem, hay không cần ăn uống gì đặc biệt như một số vẫn thường nghĩ ăn trứng hay uống lá tía tô trước khi tiêm. Chúng ta chỉ đơn giản cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất. Đặc biệt, nếu trẻ đi tiêm buổi sáng thì ăn sáng đầy đủ.
  • Nên cho trẻ đi ngủ sớm để tạo một tâm lý thoải mái cho trẻ.
  • Tránh vận động thể lực nặng trước khi đi tiêm để trẻ có thể thoái mất nhất cả về mặt thể chất và tinh thần.

Ngày đi tiêm chủng, phụ huynh cần mang theo: Sổ tiêm chủng của trẻ, sổ khám bệnh và toa thuốc trẻ đang sử dụng để Bác sĩ khám sàng lọc trẻ có thể được tiêm chủng không?

chuan bi cham soc tre tiem chung 2

2. Những trường hợp nào trẻ sẽ được hoãn tiêm chủng?

Cần lưu ý:

  • Nếu trẻ đang có dấu hiệu nhiễm trùng cấp tính, sốt > 37,5 độ đo nhiệt độ ở nách, hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng nặng, chúng ta có thể trì hoãn tiêm một vài ngày, cho đến khi bé tạm ổn thì có thể cho bé đi chích ngừa sau.

Ngoài ra, đối với 1 số trường hợp như:

  • Trẻ có cân nặng dưới 2kg.
  • Trẻ có bệnh lý nền như bệnh tim, phổi, các bệnh về máu chưa ổn định.
  • Hoặc những trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau khi tiêm cùng loại vaccin (ví dụ: lần đầu trẻ tiêm không sốt, nhưng lần thứ 2 trẻ sốt cao trên 39 độ C…)
  • Đối với những trường hợp này, để an toàn cho trẻ, trẻ cần được khám sàng lọc và tiêm chủng tại Bệnh viện.

Tuy nhiên, nếu các bậc phu huynh không nhớ những chỉ định trên, chúng ta vẫn có thể yên tâm vì trước mỗi bàn tiêm chủng luôn có bác sĩ khám sàng lọc cho con và các bác sĩ sẽ tư vấn và giải thích đầy đủ cho cha mẹ những vấn đề cần lưu ý.

3. Sau khi tiêm chủng, sẽ có những phản ứng nào xảy ra với trẻ?

Sau khi trẻ được tiêm chủng, có thể có những phản ứng không mong muốn xảy ra như:

  • Các triệu chứng tại chỗ tiêm: trẻ có thể sưng, đỏ, đau tại nơi tiêm. 1 số trường hợp có thể nổi hạch cổ hoặc hạch nách sau tiêm ngừa lao, BCG.
  • Trẻ có thể có triệu chứng toàn thân: Sốt nhẹ < 38,5 độ C, hơi quấy khóc, hơi biếng ăn hoặc hơi bỏ bú.
  • Các triệu chứng sẽ biến mất sau vài ngày. Sau 48 giờ, những dấu hiệu không mong muốn sẽ lui dần.

chuan bi cham soc tre tiem chung 3

4. Triệu chứng nào là bất thường cần đưa trẻ đưa con đi gặp bác sĩ?

Phản ứng nguy hiểm nhất sau tiêm chủng đó là tình trạng sốc phản vệ hay phản ứng phản vệ nặng.

  • Trẻ thường sẽ có biểu hiện kích thích quấy khóc nhiều kèm nổ mề đay khắp toàn thân và diễn tiến ngày càng nhanh hơn.
  • Một số trẻ có thể khò khè, thở rít, thở nhanh, suy hô hấp, 1 số khác có thể thấy nhịp tim nhanh, trẻ lớn có thể than đau ngực, cha mẹ thấy tay chân lạnh
  • Hoặc trẻ nôn ói liên tục.
  • Một số khác có thể lì bì, co giật, rối loạn tri giác.

=> đây là dấu hiệu rất nặng cần xử trí cấp cứu ngay.

  • Sốc phản vệ hoặc phản ứng phản vệ thường xảy ra trong 4 giờ đầu sau tiêm chủng, đặc biệt trong giờ đầu tiên. Do đó, sau tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có phản ứng bất thường xảy ra.
  • 1 số trường hợp trẻ có thể có biểu hiện phản vệ muộn, hoặc tái phát sau 24 – 48 giờ => do đó dù đã theo dõi tại cơ sở tiêm chủng, trẻ vẫn cần được theo dõi 48 – 72 giờ tại nhà để phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm và xử trí kịp thời tại CSYT.

Điều may mắn rằng, tình trạng sốc phản vệ không phải lúc nào cũng xảy ra, đây là tình trạng rất hiếm gặp, do đó cha mẹ cũng không cần quá lo lắng khi cho trẻ đi tiêm chủng. Quan trọng nhất là nhận biết những dấu hiệu bất thường kể trên và theo dõi sát trẻ tại nhà sau khi tiêm.

Bên cạnh những dấu hiệu nguy hiểm kể trên, các bậc phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến Bệnh viện hoặc CSYT gần nhất nếu như trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao > 39 độ C, sốt cao trên 2 ngày.
  • Khóc thét, tím tái, khó thở, li bì.
  • Bú kém, bỏ bú, phát ban.
  • Chỗ tiêm đau lan > 2 cm, tấy đỏ sưng nhiều làm trẻ quấy, bứt rứt nhiều hoặc có dấu hiệu chảy mủ.

chuan bi cham soc tre tiem chung 4

5. Chăm sóc trẻ như thế nào sau khi tiêm chủng?

Tại nơi tiêm:

  • Chúng ta không chạm, tì đè vào chỗ tiêm, khi bế trẻ, hạn chế tiếp xúc và xoa ngay vị trí tiêm.
  • Sau khi tiêm, trẻ có thể sưng đau tại vết chích, lúc này, trong 24 giờ đầu chúng ta có thể chườm mát cho trẻ (chườm mát nghĩa là chúng ta lấy đá cho vào 1 cái khan và chỉ chườm xung quanh vết chích).
  • Nhấn mạnh là chúng ta chỉ chườm mát chứ không phải chườm lạnh vì sẽ làm tái cấu trúc da nếu dung đá chườm trực tiếp, cũng ko chườm nóng do sẽ làm sưng tấy nhiều hơn.
  • Tuyệt đối không bôi, không nặn không đắp lá, khoai tây hay bất kỳ thứ gì ngay chỗ tiêm chủng vì làm tang nguy cơ nhiễm trùng.
  • Khoảng vài ngày, và thường sau 24 giờ, vết chích sẽ tự ổn định.

Nếu trẻ sốt:

  • Trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C: chúng ta chỉ cần cho trẻ mặc đồ thoáng mát, uống nhiều nước.
  • Nếu > 38,5 độ thì có thể cho trẻ uống hạ sốt, chúng ta không cần uống hạ sốt trước để ngăn chặn sốt vì sốt là một phản ứng có lợi cho trẻ và thuốc hạ sốt thường khởi phát tác dụng nhanh sau 15 – 30 phút. Liều dùng và cách sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào, bác sĩ đã chia sẻ ở bài “chăm sóc trẻ bị sốt”, chúng ta có thể xem lại video lần trước của bác sĩ nhé.
  • Ngoài ra, 1 số trẻ dù không sốt, nhưng quấy khóc, có thể do trẻ đau, đặc biệt khi đụng vô vị trí xung quanh nơi tiêm thì chúng ta cũng có thể cho trẻ uống hạ sốt để giảm đau cho trẻ.

Về mặt dinh dưỡng: có thể cho trẻ ăn uống bình thường, nên cho thức ăn dễ tiêu, hạn chế dầu mỡ, có thể chia nhỏ cử cho trẻ dễ ăn và hạn chế nôn ói.

Quan trọng nhất vẫn là theo dõi trẻ trong 48 – 72 giờ đầu để phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay.

TỔNG KẾT

Tiêm chủng là quyền lợi rất quan trọng cho trẻ để bảo vệ trẻ khỏi những mầm bệnh nguy hiểm có thể dự phòng được bằng vaccin trong suốt cuộc đời. Các phản ứng phản vệ nặng với vaccin thường rất hiếm xảy ra. Do đó, các bậc phụ huynh hãy cho trẻ đi tiêm chủng đủ liều và đúng lịch để xây dựng một hệ miễn dịch vững chắc cho trẻ nhé.

Comments powered by CComment

 
 logo.png

Trụ sở: 124 Phan Xích Long, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

Các cơ sở: Phòng Khám Rồng Việt

Hotline: 0902719169